Sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong ngành du lịch, dưới đây Moretravel chúng tôi cung cấp thông tin tổng quát nhất đến các loại hình sản phẩm du lịch và đặc trưng của nó để bạn đọc có thể tham khảo phục vụ cho công việc cũng như quá trình nghiên cứu của mình
Nội dung bài viết
Sản phẩm du lịch là gì
Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch
Sản phẩm du lịch bao gồm các yếu tố hữu hình (hàng hóa vật chất) và các yếu tố vô hình (dịch vụ, sự tiện nghi) để cung cấp cho khách du lịch.

Sản phẩm du lịch là gì?
Sản phẩm du lịch bao gồm 2 thành phần quan trọng: Tài nguyên du lịch; các dịch vụ và hàng hoá du lịch.
Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịchnhân tạo. Các dịch vụ gồm vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí…và trong các dịch vụ đó thì có một số hàng hóa được cung cấp cho du khách.
Các bộ phận cấu thành sản phẩm du lịch
Các bộ phận cấu thành sản phẩm du lịch bao gồm như sau: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ giải trí, các điểm tham quan du lịch, dịch vụ mua sắm, dịch vụ hỗ trợ
Dịch vụ vận chuyển bao gồm: vận chuyển hàng không, vận chuyển đường sắt, vận chuyển đường bộ, vận chuyển đường thủy
Dịch vụ lưu trú và ăn uống: Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở cho thuê buồng, giường và cung cấp các dịch vụ khác phục vụ khách lưu trú, trong đó khách sạn là cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu.
Kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng là một hoạt động quan trọng của đi ểm và khu du lịch. Là loại nhu cầu không thể thiếu đối với khách du lịch và phục vụ ăn uống trở thành một hoạt động kinh doanh đáng kể trong du lịch. Tham gia phục vụ ăn uống có các loại hình như nhà hàng, quán bar, các quán café… tồn tại độc lập hoặc có thể là bộ phận trong các khách sạn, trên máy bay, tàu hỏa.
Dịch vụ giải trí: Tại các điểm du lịch, các điểm tham quan du lịch sẽ góp phần vào quyết định lựa chọn của du khách, các hoạt động vui chơi giải trí sẽ làm tác động đến thời gian lưu lại của khách dài hay ngắn.
Hoạt động của các công viên giải trí, sở thú, bách thảo, các chương trình biểu diễn ca nhạc, chiếu phim, các khu vực mua sắm, sòng bạc… càng đa dạng, phong phú càng kích thích chi tiêu của khách, và như vậy sẽ mang lại nguồn thu cho điểm du lịch ngoài nguồn thu về lưu trú, ăn uống, vận chuyển.
Các điểm tham quan du lịch: là các địa điểm có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn hoặc những nơi các tài nguyên nhân tạo như: di tích văn hóa, di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa của địa phương, các làng nghề…
Dịch vụ mua sắm: mua sắm quà lưu niệm, hàng tiêu dùng, hàng xách tay…
Dịch vụ hỗ trợ: thủ tục xin hộ chiếu, xin visa…
Một số sản phẩm du lịch phổ biến
1. Du lịch thiên nhiên
Du lịch thiên nhiên là loại hình du lịch thu hút những người thích tận hưởng bầu không khí ngoài trời, thích thưởng thức phong cảnh đẹp và đời sống động thực vật hoang dã. Những người đi du lịch trong nhóm này muốn tìm đến vẻ đẹp và đời sống hoang sơ, hùng vĩ của rừng, núi, làng xóm…
Ví dụ: Du lịch vườn quốc gia Cúc Phương; du lịch Phong Nha Kẽ Bàng, du lịch suối tiên, du lịch vườn quốc gia ba vì…
2. Du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch hấp dẫn những người mà mối quan tâm chủ yếu của họ là truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, nền văn hóa nghệ thuật… của nơi đến.
Ví dụ: Du lịch làng nghề, du lịch Đền Hùng, lễ hội du lịch cồng chiêng, du lịch yên tử…
3. Du lịch xã hội:
Du lịch xã hội hấp dẫn những người mà đối với họ sự tiếp xúc, giao lưu với những người khác là quan trọng. Đối với một số người, khi được đồng hành cùng với các thành viên của một nhóm xã hội trong các chương trình du lịch cũng làm họ thỏa mãn, hài lòng
Ví dụ: Du lịch Homestay, du lịch tour ghép…
4. Du lịch hoạt động:
Du lịch hoạt động thu hút khách du lịch bằng một hoạt động được xác định trước và thách thức phải hoàn thành trong chuyến đi, trong kỳ nghỉ của họ. Một số du khách muốn thực hành và hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình khi đi du lịch nước ngoài. Một số khác muốn thám hiểm, khám phá cấu tạo địa chất của một khu vực nào đó…
5. Du lịch giải trí:
Du lịch giải trí được nảy sinh từ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi thể lực và tinh thần cho con người. Loại hình du lịch này thu hút những người mà lý do chủ yếu của họ đối với chuyến đi là sự hưởng thụ và tận hưởng kỳ nghỉ. Họ thường đến bờ biển đẹp, tắm dưới ánh mặt trời, tham gia vào các hoạt động như cắm trại, các trò chơi có tổ chức và học các kỹ năng mới.
6. Du lịch chuyên đề:
Du lịch chuyên đề là loại hình du lịch liên quan đến một nhóm nhỏ, ít người đi du lịch cùng với một mục đích chung hoặc mối quan tâm đặc biệt nào đó của riêng họ. Những người kinh doanh xe ô tô đến thăm một nhà máy sản xuất ở nước ngoài hoặc một nhóm sinh viên đi một tour du lịch thực tập, nghiên cứu… là những ví dụ cho loại hình du lịch này.
7. Du lịch thể thao:
Du lịch thể thao thu hút những người ham mê thể thao để nâng cao thể chất, sức khỏe. Loại hình này có hai loại khách chính đó là vận động viên trực tiếp tham gia thi tài ở các kì Thế Vận hội, Worldcup hoặc đến các vùng có tiềm năng thể thao như leo núi, trượt tuyết, săn bắn, bơi lội… (chủ động) và các cổ động viên xem các cuộc thi đấu và cổ vũ
8. Du lịch tôn giáo:
Du lịch tôn giáo là loại hình thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng đặc biệt của những người theo đạo phái khác nhau, họ đến nơi có ý nghĩa tâm linh hay vị trí tôn giáo được tôn kính. Ngoài ra còn có những đối tượng không thuộc thành phần tôn giáo, nhưng họ lại có xu hướng hiếu kỳ khi tham gia vào các hoạt động mang tính tôn giáo. Đây là loại hình du lịch lâu đời nhất và vẫn còn phổ biến đến ngày nay.
Ví dụ: Du lịch hành hương về thánh địa, du lịch chùa Hương, du lịch Yên Tử, du lịch chùa Côn Sơn…
9. Du lịch sức khỏe:
Du lịch sức khỏe là loại hình du lịch hấp dẫn những người tìm kiếm cơ hội cải thiện điều kiện thể chất của mình. Các khu an dưỡng, nghỉ mát ở vùng núi cao hoặc ven biển, các điểm có suối nước khoáng hoặc nước nóng… là nơi điển hình tạo ra thể loại du lịch này.
Ví dụ: Du lịch tắm khoáng nóng, tắm bùn…
6 đặc trưng của sản phẩm du lịch
1. Tính vô hình
Sản phẩm du lịch về cơ bản là không cụ thể (vô hình). Thực ra nó là một kinh nghiệm du lịch hơn là một món hàng cụ thể, mặc dù trong cấu thành sản phẩm du lịch có hàng hóa. Sản phẩm du lịch là không cụ thể, do đó không thể đặt ra vấn đề nhãn hiệu như hàng hóa và cũng vì vậy mà sản phẩm du lịch rất dễ bị bắt chước, cụ thể là người ta có thể dễ dàng sao chép những chương trình du lịch, bắt chước cách bài trí phòng đón tiếp hay qui trình phục vụ đã được nghiên cứu công phu.
Mặt khác, do tính chất không cụ thể nên khách hàng không thể kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi mua và vì vậy, rất nhiều người chưa từng đi du lịch sẽ phân vân khi chọn sản phẩm du lịch. Ngoài ra, cũng do đặc điểm này mà vấn đề quảng cáo trong du lịch đóng vai trò quan trọng và phải khác với quảng cáo cho những hàng hóa
2. Tính không đồng nhất
Vì được tạo thành chủ yếu từ dịch vụ nên sản phẩm du lịch khó tiêu chuẩn hóa được, khó đưa ra một quy chuẩn nhất định. Cùng một sản phẩm dịch vụ nhưng chất lượng có thể không giống nhau khi:
Cung cấp bởi những nhân viên khác nhau
Cung cấp cho những khách hàng khác nhau
Cung cấp tại những thời gian, địa điểm khác nhau. Trong một nhà hàng, khách sạn…, mặc dù có cùng tiêu chuẩn dịch vụ nhưng đánh giá của khách hàng sẽ khác nhau là do mỗi khách hàng được phục vụ bởi một hoặc một nhóm nhân viên khác nhau. Nhân viên trong cùng đơn vị có thể có trình độ chuyên môn như nhau nhưng thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm đối với công việc… khác nhau sẽ tác động đến sự cảm nhận khác nhau về chất lượng dịch vụ giữa các khách hàng
3. Tính đồng thời giữa sản xuất và tiêu dùng
Việc tiêu dùng và sản xuất sản phẩm du lịch (dịch vụ) xảy ra trên cùng một không gian và thời gian. Vì sản phẩm du lịch gắn liền với yếu tố tài nguyên du lịch, mà như chúng ta biết muốn phát triển du lịch thì phải có tài nguyên du lịch và tài nguyên du lịch không thể di dời đi nơi khác (cố định về không gian), vì thế khách phải tìm đến nếu muốn tiêu dùng sản phẩm du lịch. Đồng thời, sản phẩm du lịch đa phần là dịch vụ, mà đã là dịch vụ thì chỉ khi nào khách tiêu dùng thì lúc đó cơ sở kinh doanh mới cung cấp, hay nói cách khác lúc đó dịch vụ mới được sản xuất.
Với đặc điểm này thì khách du lịch không thể kiểm tra được chất lượng sản phẩm trước khi mua và muốn tiêu dùng thì phải đến nơi sản xuất.
4. Tính mau hỏng và không dự trữ được
Sản phẩm du lịch chủ yếu là dịch vụ như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… Vì thế không thể sản xuất trước, lưu kho và bán từ từ cho khách.
Nói cách khác, sản phẩm du lịch không thể dự trữ được và mau hỏng. Số lượng buồng trong khách sạn, số chỗ ngồi trong nhà hàng… nếu không thể bán vào ngày hôm nay thì khách sạn, nhà hàng sẽ mất doanh thu chứ không thể cộng thêm tất cả số buồng và chỗ ngồi đó vào số buồng và số chỗ ngồi của doanh nghiệp ngày hôm sau được. Chính vì vậy, làm sao để tối đa hóa công suất theo từng ngày là điều mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch luôn quan tâm và cố gắng khai thác.
5. Sản phẩm du lịch do nhiều nhà cung cấp tham gia cung ứng
Nhằm thỏa mãn nhu cầu trong suốt cuộc hành trình của khách, từ nhu cầu thiết yếu cho đến nhu cầu thứ yếu, đòi hỏi phải có nhiều loại hình dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan… Để có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu của du khách một cách đầy đủ nhất, đa dạng nhất vào mọi thời điểm… thì phải có nhiều nhà kinh doanh tham gia vào việc cung ứng sản phẩm du lịch cho khách.
6. Việc tiêu dùng sản phẩm du lịch mang tính thời vụ
Do nhu cầu du lịch thay đổi thường xuyên, lúc thì cầu du lịch quá cao nhưng có lúc thì quá thấp, trong khi đó cung du lịch tương đối ổn định trong thời gian dài. Từ đó nảy sinh độ chênh lệch giữa cung và cầu du lịch, đó chính là tính thời vụ trong việc tiêu dùng sản phẩm du lịch. Đặc điểm này gây khó khăn đối với nhà kinh doanh du lịch: làm sao để độ chênh lệch giữa cung và cầu ở mức thấp nhất vào mùa cao điểm, làm sao để giải quyết mọi vấn đề về lao động, doanh thu, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất… vào mùa thấp điểm…
Trên đây là tổng hợp những thông tin về du lịch và sản phẩm du lịch, cùng với 6 đặc trưng của sản phẩm du lịch hy vọng giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về ngành du lịch, lựa chọn tốt cho mình các sản phẩm phù hợp cho mỗi chuyến đi xa nghỉ ngơi cùng gia đình và bạn bè hoặc làm tài liệu tham khảo và nghiên cứu
Bài viết liên quan
Tìm hiểu những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất
Việt Nam là một đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời, trải qua...
Th8
Bật mí Du lịch 1 ngày nên đi đâu gần Hà Nội
Du lịch 1 ngày nên đi đâu gần Hà Nội?. Sau một tuần làm việc...
Th8
Những mặt Tích cực và tiêu cực của ngành du lịch
Du lịch là một trong những ngành thúc đẩy nền kinh tế phát triển, mang...
Th8
Khu du lịch Đại Nam của ai? địa điểm ở đâu
Khu du lịch Đại Nam-nơi vọng ngưỡng tâm linh và tôn vinh tinh hoa dân...
Th8
Download luật du lịch 2017 PDF, Word-số 09/2017/QH14
Luật du lịch số 09/2017/QH14 được Quốc Hội Việt Nam ban hành vào ngày 19/06/2017...
Th8
Giới thiệu địa điểm du lịch bằng tiếng anh, tiếng trung
Các địa điểm du lịch Việt Nam không những nổi tiếng về danh lam thắng...
Th8